Tuesday, May 7, 2019

AM THUC TAI CALI



l

Lượm Lặc

Tuesday, November 28, 2017

'Nhà hàng mặn có món gì, nhà hàng chay có món đó!' Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Cảm ơn nhà báo Phúc Quỳnh và Viển Đông đả đăng bài rất hửu ích

Từ nay các bạn ăn chay trường qua Cali khỏi lo!
Nên giử cẩm nang nầy để khỏi lo không có tiệm chay tại nơi nầy. 


 'Nhà hàng mặn có món gì, nhà hàng chay có món đó!'  Bài PHÚC QUỲNH

Tháng Mười Một là tháng của lễ Tạ Ơn tại nước Mỹ, tháng của những bữa ăn đầm ấm với mọi người trong gia đình quây quần bên nhau tại bàn tiệc mà món ăn chính là gà tây. Trong thời gian này, ai sống ở Mỹ cũng khó tránh thấy những quảng cáo với món gà tây được nướng vàng rộm, trông rất hấp dẫn. Người Mỹ ăn gà tây cho bữa tiệc đoàn tụ gia đình, trong khi đa số người Mỹ gốc Việt thường chọn các món khác, thuần túy Việt Nam hơn. Rồi cũng có một thành phần thiểu số, cả Mỹ lẫn Việt, không thể "nhậu" các món truyền thống mặn trong ngày Tạ Ơn. Họ ăn chay trường.


Bên ngoài quán Thiên Đăng trên đường Brookhurst, 16 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Tháng Mười Một cũng là Tháng Ăn Chay Thế Giới (World Vegan Month). Theo một nghiên cứu mới đây, gần sáu phần trăm người Mỹ tự nhận mình là người ăn chay (vegetarian), tức là khoảng 19 triệu người, trong số này có 7.5 triệu người ăn chay thuộc thành phần vegan, tức là không ăn bất cứ thứ gì lấy từ thú vật, kể cả sữa, trứng, và mật ong.

Nghiên cứu của Harris Poll năm 2016 cho thấy Los Angeles xếp hạng thứ năm trên danh sách 100 thành phố có tỉ lệ tiệm chay cao nhất nước Mỹ. Hạng nhất là New York, kế đó là Portland, Oregon, rồi đến Orlando, và San Francisco.

Còn ở Westminster thì sao, có bao nhiêu tiệm chay trong số cả mấy trăm tiệm mặn của người Việt Nam?

Với thắc mắc này, tôi dành mấy buổi trưa trong những ngày vừa qua, để thăm một số quán chay mà tôi được biết đang mở cửa hoạt động chung quanh khu phố Little Saigon, thủ phủ của người Việt tị nạn. Tôi thăm các quán không nhằm làm thống kê, chỉ muốn hỏi dăm ba câu để biết mấy nét chính của quán, và điều mà tôi khám phá không chỉ là Little Saigon giờ đây đang có nhiều tiệm chay hơn so với mười năm trước - với cả một chục tiệm trong vòng một dặm đường kính từ khu Phước Lộc Thọ ở đường Bolsa - mà mỗi tiệm có một nét độc đáo, một phong cách, một không gian ẩm thực riêng, dù tất cả đều mang một mẫu số chung là cung cấp các món chay đậm đà hương vị Việt Nam.

Hầu hết thức ăn ở các tiệm chay tại Little Saigon đều ngon miệng từ bậc trung bình đến bậc tuyệt hảo, mà giá cả không quá "nặng," lại đa dạng, phong phú như các món mặn của ba miền Nam, Trung, Bắc của Việt Nam, từ hủ tiếu nam vang, mì quảng, bún huế, lẩu, bún riêu cho đến các món nghe rất "mặn" mà hoàn toàn chay, như 'cá' nướng trui, 'cá trê' mắm gừng, 'bò' nướng lá lốt, và còn rất nhiều.

Dọc theo cuộc du ngoạn qua các quán chay, tôi được biết có một anh Mỹ mỗi tuần đi xe đạp cả chục dặm đến Little Saigon chỉ để ăn một dĩa cơm chay, một tiệm chuyên bán sữa đậu nành... đen, và một tiệm mà tiền ăn không là vấn đề, rất "nhẹ nhàng," bạn muốn trả bao nhiêu cũng được. Vì thời hạn eo hẹp cho bài này cần lên báo đúng ngày lễ Tạ Ơn, nên tôi không thể ghé hết các quán chay trong vùng, và cũng không thể nói hết về mỗi quán, chỉ giới thiệu sơ lược một đôi nét độc đáo hoặc bất ngờ chụp bắt được trong buổi thăm viếng ngắn ngủi, gấp rút. Tuy vậy, chuyến đi cũng đủ dài để biết các tiệm chay đang sinh hoạt như thế nào tại phố Bolsa năm 2017. Mời bạn cùng bước vào các quán chay theo thứ tự mà tôi đã ghé thăm.

Nhà hàng chay Golden Flower khai trương trong tháng Tư 2017, là một trong các quán chay mới nhất, nằm góc đường Bushard và Bolsa, Westminster. Như hầu hết các tiệm chay khác, Golden Flower phải cạnh tranh giữa một rừng tiệm bán các món mặn ở chung quanh. Hình chụp ngày 15 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Golden Flower
Tiệm chay này hoạt động chỉ cách đại lộ Bolsa chừng mươi thước, có một cột treo tấm bảng hiệu lớn với mấy đóa hoa cúc vàng tươi nổi bật trên nền trời xanh. Quán nằm trên đường đến sở làm của tôi, nên tôi chọn làm nơi đầu tiên để vào thăm vào một buổi xế trưa thứ Tư. Golden Flower tọa lạc ngay bên cạnh một tiệm phở mà có lẽ lúc nào cũng đông khách, và như hầu hết các quán chay khác tôi có ghé sau này, Golden Flower phải cạnh tranh giữa một rừng tiệm mặn khá hùng hậu ở chung quanh.
Tiệm có bãi đậu xe riêng ở sân trước. Lúc tôi vào thì bên trong đang có thực khách ở dăm ba bàn vừa ăn vừa nói chuyện nho nhỏ. Golden Flower khai trương hồi tháng Tư 2017, là một trong các tiệm chay mới nhất trong phố. Tiệm có cách trang trí tân thời, thanh nhã, không khí yên ả, các nhân viên đang bận rộn từ quầy food-to-go đến dàn nấu ăn trong bếp.

Thấy khách vào, họ niềm nở đón chào với nụ cười thân thiện, làm tôi cũng hơi áy náy vì mình không tính mua gì hết, chỉ có ý định vào hỏi dăm ba câu cho thỏa mãn sự hiếu kỳ.

Trưa hôm ấy tôi được gặp anh Phi Nguyễn, người điều hành của tiệm lúc bấy giờ. Tôi được biết tiệm này đã có bước khởi đầu từ một ngôi chùa khá nổi tiếng ở Long Beach.

Anh Phi Nguyễn kể, "Golden Flower đã mở được bảy tháng. Tên tiệm này do thầy ở chùa Phật Tổ chọn. Thầy lập nhà hàng rồi thầy trở lại chùa tu, giao lại cho Phật tử."

Anh giải thích thêm, "Đúng ra Golden Flower là một bông sen vàng, nhưng người làm bảng hiệu lại làm sai, người ta không biết nên làm bông cúc, thật sự nó là bông sen."

Thì ra vậy. Tôi nhận thấy bông cúc vàng cũng đẹp, không chừng còn độc đáo hơn cho một quán chay. Thầy trụ trì hiện nay ở chùa Phật Tổ là Đại Đức Thích Thường Tịnh, một vị thầy trẻ có năng khiếu nấu ăn. Ba anh em thầy cùng một số các thầy ở chùa Phật Tổ hình như có gốc gác với chùa Kim Huê ở Sa Đéc, Đồng Tháp, và biết đâu chừng tên Golden Flower xuất phát từ hai chữ Kim Huê (bông vàng) ấy chăng? Chắc bữa nào ghé chùa hỏi thầy thử xem.

Anh Phi cho biết tiệm chay này được mở vì "chùa muốn tạo điều kiện cho Phật tử ăn chay ở đây, không phải đi đến chùa ở Long Beach, xa quá." Trong mấy năm gần đây, chùa Phật Tổ có cung cấp thức ăn miễn phí vào mỗi trưa Chủ Nhật. Nói là miễn phí chứ thức ăn tuyệt ngon, không thua món ở tiệm.


Anh Phi Nguyễn điều hành Golden Flower, cho biết tên tiệm do thầy trụ trì ở chùa Phật Tổ chọn. "Thầy lập nhà hàng rồi thầy trở lại chùa tu, giao lại cho Phật tử." (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Golden Flower có món gì độc đáo? 

Anh Phi Nguyễn nói, "Tiệm có nhiều món to-go. Các món đặc biệt ở đây là bánh xèo, bún huế, mì vịt tiềm, mì sa tế, rồi còn bún mắm, nhiều món lắm, tùy theo sở thích, ai muốn ăn gì cũng có món ngon cho họ."
Gỏi mít, xôi bắp, nước chanh dây, Golden Flower có hơn 70 món, với giá từ $3 đến $9.95. Tiệm mở cửa bảy ngày, từ 9 sáng đến 9 tối, mỗi ngày có các món to-go khác nhau. 

Golden Flower Vegetarian Restaurant nằm ở số 14942 Bushard St., Westminster, CA 92683. Điện thoại (657) 266-0388.


 Như Quỳnh Tofu



Như Quỳnh Tofu nằm cạnh tiệm Lee's Sandwiches đang được sửa chữa trên đường Bolsa, Westminster. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Nơi kế tiếp mà tôi ghé đến không hẳn là một quán chay mà bạn có thể vào ngồi ăn. Như Quỳnh Tofu là một quán bán các món ăn chay to-go, hay đúng hơn là một tiệm sản xuất đậu hủ tươi và sữa đậu nành. Quán nằm trên đường Bolsa, ngay trong trung tâm của Little Saigon, cách thương xá Phước Lộc Thọ chỉ vài chục bước ở bên kia đường.

Anh Lam Phạm, chủ nhân của Như Quỳnh Tofu, cho biết quán được mở từ tháng 10, 2016. Vì chuyên về đậu hủ, hay tàu hủ, quán có đủ các món đậu chiên nấm, xả hoặc nấu thành các món tẩm nước sốt, nhồi nhân trộn gia vị. Như Quỳnh Tofu còn có khoảng một chục món ăn chay to-go như canh chua, mì xào, cá kho, mắm chưng, vân vân. Quán có bán các món chè, yogurt, chao, và một món khá đặc biệt sẽ được nhắc đến sau.

Tại sao mở quán chay? Anh Lam Phạm cho biết, "Thật ra tiệm làm tàu hủ, sản xuất tàu hủ, thành ra các món liên quan đến tàu hủ tụi em nấu ra món chay bán cho khách."

Còn tên Như Quỳnh? Anh Lam giải thích, "Lấy tên Như Quỳnh vì tiệm xuất phát từ Sydney, Úc. Lên Google đánh chữ 'như quỳnh tofu sydney' thì sẽ hiện ra tiệm, pop up liền."

Anh Lam Phạm là cư dân California chứ không phải dân Úc. Sau khi mở tiệm bán tàu hủ bên Úc, anh "mang kỹ thuật làm tàu hủ từ bên Úc sang đây." Như Quỳnh Tofu ở Bolsa "sản xuất tàu hủ ở đây, bán sỉ whole sale, thành ra những món này được làm mới mỗi ngày. Tiệm làm từ A đến Z hết. Tàu hủ sản xuất hết ở đây, đóng hộp ở đây luôn, ở đây tụi em gói lại rồi đóng hộp."

Nói đến đây anh Lam lấy ra một bình sữa và giới thiệu, "Ở đây không có ai làm sữa đậu nành đen." Xong anh vào trong bếp và bước ra cho tôi xem một nắm hạt đậu đen. Lam nói, "Cái này là đậu nành đen, là black soy bean, hạt đậu nó đen, không phải mình bỏ màu hay gì cho nó đen."
Sữa đậu nành đen pha lá dứa có hương vị đậm đà thơm béo hơn sữa đậu nành trắng. Lam cho biết, "Nguyên cái thành phố ở đây không ai làm sữa đậu nành đen hết. Tụi em làm để khác họ một tí xíu."



Cô Cúc Đỗ đang giới thiệu bình sữa đậu nành đen và hộp đậu hũ do Như Quỳnh Tofu sản xuất, 15 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Như Quỳnh Tofu là một quán nhỏ, nằm ép giữa hai cơ sở lớn hơn ở hai bên. Lam nói, "Tiệm nhỏ, tụi em phải maximum (làm tối đa) cái nhà bếp lên, vừa đủ đằng trước để bán food-to-go, maximum đằng sau để làm bếp sản xuất, đa số bán sỉ nhiều hơn bán lẻ, đưa vào hệ thống siêu thị ở đây."
Sữa đậu nành đen được bán với giá $3.50, sữa đậu nành trắng $2.50, các món chay to-go giá $1, $2, $3, phở và các món bún $7. Quán cũng bán cơm phần hai món chay giá $5, ba món $6. 

Như Quỳnh Tofu  mở cửa từ 7 giờ sáng, bảy ngày trong tuần, nằm ở số 9253 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683. Điện thoại (714) 716-2511.
  
Thiên Đăng
Bước vào Thiên Đăng Vegetarian Restaurant nằm trên đường Brookhurst, cảm giác đầu tiên mà tôi có được là sự nhẹ nhàng, thoải mái một phần cũng do không gian bên trong được quyện trong tiếng nhạc của câu niệm "Om Mani Padme Hum" văng vẳng đều đặn. Đây là một quán ăn được thiết kế "maximum" trong một gian phòng nhỏ, bày biện sáu bàn ăn và khoảng 20 ghế ngồi.

Bên ngoài quán Thiên Đăng trên đường Brookhurst, Westminster, 16 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Lúc ấy đã xế trưa thứ Năm, quá giờ ăn giữa ngày của hầu hết mọi người, nên quán có sự yên ả, thư thả của một chốn xa xôi nào đó dẫu nằm cạnh một đoạn đường Brookhurst luôn náo nhiệt tiếng xe cộ giữa hai đường Hazard và Westminster.

Khi được hỏi về tên tiệm, cô chủ quán Đan Châu cho biết, "Thiên Đăng là đèn trời, là ánh đèn soi sáng từ cõi trời xuống cõi ta bà này." Thì ra vậy. Khởi đầu của quán là một lý tưởng cao đẹp.
Đan Châu giải thích thêm, "Tiệm đã mở được sáu năm. Chúng cháu mở tiệm vì gia đình bên chồng có truyền thống ăn chay. Vợ chồng có hai đứa con nhỏ cũng ăn chay, cả gia đình ăn chay.
"Hai vợ chồng có ước nguyện mở tiệm chay để mọi người ăn chay, bớt sát sanh, cho nên mới quyết định đi ra làm đồ chay bán."

Cô Châu Huê đang giới thiệu hai món "đặc sản" của Thiên Đăng là bánh mì kẹp "thịt" và chả ốc, trong hình chụp ngày 16 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Trong quán Thiên Đăng ở cõi Little Saigon này, điều trước tiên mà tôi nhận thấy ở một bên tường là một dãy tủ đông đá chất đầy thức ăn và nguyên liệu mà khách có thể mua về nấu món chay ở nhà. Còn ở trước mặt đối diện với cánh cửa khi bước vào quán là một quày bày bán các món to-go trông rất bắt mắt, nhìn ngon không khác món mặn. Hôm ấy quán có hơn một chục thứ bán to-go gồm các món kho, chiên, xào, nướng, và canh khổ qua. Đan Châu cho biết các món được thay đổi mỗi ngày, phù hợp theo khẩu vị của khách thích ăn cơm phần hay mua về nhà ăn với cơm.

Món đặc biệt nhất của "đèn trời" là bánh mì. Quán có chín món bánh mì chay trông rất hấp dẫn, không thua bánh mì ở các hệ thống tiệm mặn lớn gấp mấy lần, như gà teriyaki, nem, nướng, chả lụa, xíu mại, bò, cá mòi được kẹp với đồ chua, rau thơm, cà với giá bán từ $4 đến $5.25 cho một ổ dài baguette mà có lẽ hai người (cỡ nhỏ con như tôi) mới ăn hết.

Tiệm cũng có các món nước như phở, bún huế, bún riêu, bánh bao, chả giò, và thêm một món rất đặc biệt của Thiên Đăng là chả ốc. "Có thứ ăn rất giống ốc ở bên trong mà là chay," Đan Châu vừa giải thích vừa cười khi cho xem một miếng chả. "Mỗi cây $1.25, mua 10 tặng một," cô không quên nói thêm và cho biết món này được nhiều người mua gởi đi các tiểu bang khác.

Trước khi rời quán, tôi được biết một chuyện bất ngờ. Đó là một anh Mỹ trẻ, to con, bước vào và chọn mua một dĩa cơm phần ngồi ăn tại chỗ. Trong lúc dùng đũa gắp món ăn sành điệu như người Việt Nam, anh Bryan 0'Grady, 25 tuổi, cho biết, "Tôi đến quán này mỗi tuần một lần, có khi hai lần. Tôi có một người bạn Việt Nam. Biết tôi ăn chay trường, anh ấy giới thiệu tôi đến đây. Đồ ăn ở đây rất ngon. Tôi ăn cả năm rồi."
Và rồi Bryan cho tôi biết một điều bất ngờ, "Tôi đi xe đạp đến đây, mỗi tuần, từ Buena Park."
Đi xe đạp chỉ để đến đây ăn cơm chay?

"Đúng vậy," anh trả lời thản nhiên như không có chuyện chi phải kinh ngạc. Từ thành phố Buena Park đến Little Saigon là xa từ 10 đến 20 dặm, tùy địa điểm. Ai nói ăn chay mất sức thì hãy gặp anh Bryan O'Grady này để xem thử bạn có mạnh bằng anh ta không.
 

Anh Bryan O'Grady đang tận hưởng một dĩa cơm phần trong quán Thiên Đăng, sau khi đi xe đạp từ Buena Park đến Westminster, ngày 16 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Thiên Đăng Vegetarian Restaurant, 14253 Brookhurst St., Garden Grove, CA 92683. Điện thoại (714) 531-4888. Website: thiendangvegetarian.com. Mở cửa từ 9 giờ sáng đến 7 giờ chiều. Đóng ngày thứ Ba.

Nhân Đức Hạnh
Nằm ở một góc trong một khu thương xá sầm uất nhưng không mấy khang trang ở góc Westminster và Newland, nhà hàng chay Nhân Đức Hạnh đã cho tôi một ngạc nhiên vào một buổi trưa thứ Sáu tháng Mười Một. Vừa bước vào đằng sau mành chắn, tôi khám phá một quán ăn được trang trí rất mỹ thuật và cũng rất ồn ào. Lúc đó tiệm đang có khoảng hai chục người đang dự... tiệc chay. Đa số họ là người gốc Hoa, nói chuyện ồn... như cái chợ và vui như tết. Đó là dấu hiệu của một bữa ăn ngon.

Tiệm Nhân Đức Hạnh ở góc đường Newland-Westminster. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Đến khi khách khứa đã rời quán với bụng no nê, cô chủ quán Hằng Đoàn mới có dăm, ba phút rảnh tay để tiếp khách muốn biết về tiệm.

"Dạ thưa tiệm mở được hai năm," cô cho biết. "Tên của tiệm là từ gia đình bên ngoại. Bà ngoại tên Hạnh, ông ngoại tên Nhân, lúc nào cũng dạy con cháu phải có Đức, nên combine thành Nhân-Đức-Hạnh. Trong gia đình thì những người lớn tuổi đều tu tại gia. Bà ngoại mất rồi. Còn mấy bà dì thì đều tu tại gia hết."
Hằng Đoàn cho biết cô làm việc trong ngành y, chỉ có những hôm đông khách như rằm và đầu tháng thì đến giúp. Cô giải thích, "Ăn chay không hẳn chỉ là vì nhu cầu của đạo, mà nó cũng vì sức khỏe. Hàng ngày mình ăn rất nhiều thứ thịt, mình ít chú trọng đến ăn rau củ, cơ thể mình sẽ kiếm những chất đó. Có thêm những quán chay để mình đổi món, có thêm rau quả cho cơ thể giúp được sức khỏe.
"Toàn bộ đồ ở đây nấu từ nguyên liệu. Thức ăn không nấu trước. Khách gọi thì nhà bếp sẽ nấu tươi hết, không có thứ gì nấu sẵn để qua đêm hết. Ngay cả nước soup cho rau, hủ tiếu, bún tiệm nấu chừng ba, bốn tiếng là ra một nồi mới, nhanh lắm, rau củ mà."

Món đặc biệt nhất của nhà hàng Nhân Đức Hạnh là món lẩu. Nhóm thực khách gốc Hoa đã thưởng thức món này trong giờ trước đó, nên có lẽ vậy mà họ nói chuyện vui như cái gì, tôi đoán.
 

Anh Nguyễn Văn Luyến giới thiệu món đùi gà sa tế chay tại nhà hàng Nhân Đức Hạnh, Westminster, ngày 17 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Dòng chữ "Lẩu All You Can Eat / $8.99 Cho Một Người" được viết trên một tấm bảng nhỏ đặt ngay trước máy tính tiền. Trên thực đơn còn giải thích thêm về "all you can eat" đối với ai chưa biết về cách ăn quen thuộc này: "Bao Ăn Thả Giàn."

Hằng Đoàn cho biết nguyên liệu dùng ở Nhân Đức Hạnh "80 phần trăm là đồ làm tại Mỹ, mua từ El Monte, có vài thứ phải mua từ Đài Loan mới có, nhưng cái gì cũng phải có appproval của FDA cho nó an toàn."
Thực đơn của Nhân Đức Hạnh gồm có gần 100 món chay, kể cả các món nghe rất mặn như "bún bò huế" và "đùi gà sa tế."

Nhân Đức Hạnh Vegetarian Restaurant, 8540 Westminster, Westminster, CA 92683, trong khu chợ Stater Bros. Điện thoại (714) 225-5384. Mở cửa bảy ngày từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối.
 

Bên ngoài Nhân Đức Hạnh ở góc đường Newland-Westminster, Westminster. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)



Bồ Đề
Nằm ở trung tâm khu phố Bolsa, lại ngay bên cạnh thương xá Phước Lộc Thọ, nên tiệm chay Bồ Đề luôn có khách vãng lai suốt ngày. Tôi đến vào một buổi trưa thứ Bảy đúng ngày Mồng Một âm lịch, nên tiệm đã có nhiều thực khách ngồi san sát trong một không gian rộng rãi, thoáng đãng.
Bồ Đề là một trong những tiệm chay kỳ cựu ở Little Saigon. Một nhân viên thuộc ban quản lý xin giấu tên đã cho biết, "Bồ Đề đã mở hơn 10 năm rồi. Ông chủ Mỹ sang tiệm được bốn năm."
Trong mấy phút vừa nghĩ ngợi vừa nói, anh cho biết, "Người chủ trước theo đạo Phật. Họ mở tiệm chay cho những người ăn chay theo đạo Phật. Thật sự bây giờ xu hướng ăn chay rất là nhiều, không phải ăn chay đơn giản. Có những người có sở thích ăn rau, không muốn ăn thịt thà này nọ, họ không phải là người theo đạo Phật, họ chỉ muốn ăn rau vì vấn đề sức khỏe. Rất nhiều người đến đây ăn chay vì sức khỏe, không phải vì tôn giáo."

Rồi anh kết luận, "Ngày xưa khi mở tiệm chay người ta nghĩ những người đến ăn chay là đạo Phật, nhưng bây giờ thì rất nhiều người ăn vì sức khỏe."

Quán Bồ Đề cũng phục vụ thực khách với cả trăm món. "Nhà hàng mặn có món gì thì nhà hàng chay có món đó," anh nói chắc nịch. "Chay ngon không thua mặn."
Anh nói thêm, "Ở đây có những món đặc biệt như phở áp chảo giòn. Rất đặc biệt là món Pad Thai với recipe của cô người Thái, món chay xào kiểu Thái. Ngon lắm. Các món nước có bún riêu, bún huế, hủ tiếu, hủ tiếu nam vang, phở."


Bên ngoài tiệm Bồ Đề ở đường Moran, nằm cạnh Phước Lộc Thọ, Westminster. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Mỗi buổi sáng lúc 9 giờ, quầy food-to-go của Bồ Đề luôn đầy ắp những món mới, chuẩn bị cho khác ăn cơm phần tại chỗ hay mua ăn ở nhà, sở làm.
Một "món" độc đáo nữa của tiệm Bồ Đề là một chiếc xe xích-lô được đặt trang trí nằm cạnh cửa ra vào, gợi nhớ hình ảnh quê hương một thời của hầu hết những người sống ở Little Saigon này. Có lẽ cũng đã hơn bốn mươi năm từ ngày cuối cùng tôi được ngồi trong một chiếc xích-lô như vậy, ở Việt Nam.

Bên trong tiệm Bồ Đề nằm cạnh Phước Lộc Thọ ngày 18 tháng 11, 2017. Chiếc xe xích lô là biểu tượng độc đáo của tiệm chay này. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Bồ Đề Vegetarian Food, 15131 Moran St # 417, Westminster, CA 92683. Điện thoại (714) 891-5809. Mở cửa bảy ngày từ 9 giờ sáng đến 7:30 chiều.

Quán Chay Từ Thiện
Trong suốt gần một tuần dành thời giờ ghé các quán chay vào mỗi buổi trưa, có lẽ Quán Chay Từ Thiện là nơi đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh nhất, không phải vì thức ăn ngon, không phải vì tiệm khang trang, đẹp đẽ - ngược lại là đằng khác - mà vì mục đích của quán. Nếu khách quan mà chấm điểm thì thức ăn ở đây ngon nhất chỉ ở bậc trung. Nhưng nhìn từ một góc cạnh khác, quán lại "ngon" đến mức tuyệt hảo. Bạn đọc thêm thì sẽ hiểu.


Bên ngoài Quán Chay Từ Thiện nằm trên đường Bolsa, Westminster. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Từ hồi nào đến giờ thỉnh thoảng tôi có ghé Quán Chay Từ Thiện để mua mấy món về ăn, không hề biết về mục đích của quán. Có lúc thấy mấy ông nấu ăn ở trong bếp, ăn mặc lôi thôi mà trong đó có một người trông như một thầy tu trung niên. Vài bà đến nấu cũng vậy, ăn mặc xuề xòa, không có vẻ gì muốn trang điểm tươi tắn để đón khách. Có điều là hầu như ai cũng tươi cười, có phong cách nhân hậu, dễ dãi. Có bữa tôi ngồi đợi họ nấu món bún riêu mà trong bụng trách thầm, "Chèn ơi! Quán có một người khách mà nấu sao lâu quá trời. Nếu có chừng mười người thì không lẽ đợi tới mút mùa lệ thủy luôn sao?"

Thế rồi ánh sáng từ cõi thiên cũng đã rọi xuống cho tôi hiểu hơn. Tại bãi đậu xe bên ngoài quán Từ Thiện trưa thứ Bảy hôm đó, tôi được nói chuyện với bà chủ quán Hương Nguyễn qua điện thoại. Bà ít khi ghé quán vì rất bận, mà hỏi mấy người trong quán thì họ không muốn phát biểu điều chi hết, đều chỉ cho tôi một số điện thoại và nói, "Anh gọi chị ấy đi."

Thế nên tôi đã ngồi trong xe nói chuyện với bà Hương giữa một buổi trưa nắng nóng, tiếp cận với một giọng nói rất khỏe, ào ạt của một phụ nữ người Nam. Tôi đoán bà là một nhà hoạt động, và rồi thấy mình không lầm cho lắm. Bà Hương là người thành lập hội Hand To Hand, làm việc với Sư Cô Hoa Liên để giúp người vô gia cư không bị đói.

Chị cho biết, "Quán Chay Từ Thiện được mở từ cuối năm 2016. Tiệm là một trong các chi nhánh của hội từ thiện Hand To Hand. Tiệm này mỗi tuần đều có phát 300 phần ăn cho người vô gia cư ở Santa Ana."
Chị cho biết ban đầu tiệm có để bảng "Free meal for homeless every day" để cung cấp thức ăn cho người cần ăn mà không có tiền. Thế nhưng vì tiệm nằm ở một địa điểm thuộc loại "xịn" ngay trên đường Bolsa Ave., giữa các quán cà phê và quán ăn thu hút khách hạng cao, mà lôi kéo người vô gia cư đến đây thì cũng có "vấn đề" chứ không ít với hàng xóm láng giềng.
Chị Hương kể, "Hồi mới mở thì tiệm có để bảng, nhưng bây giờ phải mang về nhà, vì cái bảng đó thành phố không cho, bị người ta complaint quá."

Cho dù có để bảng chăng nữa, khi thông báo phát cơm free vào mỗi thứ Bảy tuần thứ hai trong tháng thì số người đến cũng không quá 30 phần. "Không hiệu quả lắm," chị Hương nhận xét.

Thế nên giờ đây mỗi tháng Hand To Hand đều có phát cơm chay miễn phí cho người vô gia cư tại một địa điểm ở Santa Ana, ít nhất bốn lần, vào hai ngày Chủ Nhật và hai ngày thứ Năm. Mỗi ngày như vậy hội phát tới 300 phần ăn. Hội tìm đến người cần ăn để phát cho họ, vì không thể nào kéo họ đến tiệm để ăn.
Chị Hương cho biết sự đóng góp của những người hảo tâm, cộng với tiền bán được ở Quán Chay Từ Thiện đều được dùng cho việc phát thức ăn đều đặn nói trên. Địa điểm phát cơm chay là 400 W Santa Ana Blvd., Santa Ana CA 92704, tức là trạm xe bus lớn OCTA, nơi mà thành phố cho phép người không nhà được tụ tập. Hand To Hand là một trong các hội từ thiện được cung cấp thức ăn cho người vô gia cư ở địa điểm này.
Vào trưa thứ Năm ngày lễ Tạ Ơn hôm nay, 23 tháng 11, 2017, hội sẽ đến địa điểm trên để phân phát 300 phần ăn.

Bà Lily Võ đang chăm sóc các món to-go trong Quán Chay Từ Thiện nằm trên đường Bolsa, Westminster ngày 20 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Còn tại Quán Chay Từ Thiện trên đường Bolsa, chị Hương cho biết, "Bất cứ ai cần ăn, vào tiệm ăn thì được ăn hết. Họ không cần phải là người homeless, họ có thể đang thiếu tiền nhưng đói, cần ăn. không cần có giấy tờ chứng minh. Họ chỉ cần nói là bây giờ không có tiền, vào mua một phần ăn $5 mà trong túi chỉ có $2, thì cũng được. Mình muốn giúp đỡ cho người ta có được đồ ăn, vậy thôi."

Đến quán này để vừa ăn chay, vừa được đóng góp cho việc thiện, vậy còn phước nào lớn hơn?
Được biết như vậy nên giờ đây tôi chấm điểm thức ăn ở Quán Chay Từ Thiện thuộc hạng "ngon" 5 sao... rưỡi, cho dù các bác có nấu một tô bún mà phải đợi tới 15 phút mới xong. Thương thì thôi.

Quán Chay Từ Thiện cũng có nhiều món food-to-go được nấu mới mỗi ngày, tại địa chỉ 9098 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683. Điện thoại (714) 893-6715.

Quí vị hảo tâm nào muốn liên lạc để giúp hội Hand To Hand, xin gọi bà Hương (714) 727-8018, hoặc Sư Cô Hoa Liên (714) 653-0434.

Hoa Sen
Trong mấy buổi trưa trong tuần tôi chỉ đi loanh quanh thăm các quán chay gần trung tâm Little Saigon. Đến chiều Chủ Nhật, tôi phiêu lưu lên phía bắc trên đường Brookhurst St. để "lạc" vào thành phố Garden Grove trên đường đến tiệm Hoa Sen. Tiệm chay này cũng đã mang đến cho tôi một chút bất ngờ, một phần thưởng cho người khách cứ đi mà không biết chuyện gì sẽ đến, không tính trước.

Ông Lê Thựng bên ngoài tiệm Hoa Sen ở đường Brookhurst, Garden Grove, 19 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Đúng ra thì tôi từng nghe tên tiệm Hoa Sen này rồi, nhưng không thể hình dung nó ra sao, mặt mũi như thế nào. Trong một bài giảng không lâu lắm, Thầy Pháp Hòa từ Edmonton, Canada có kể rằng trong một lần xuống Nam California, thầy được các Phật tử chở đi ăn tiệm Hoa Sen, vừa đến nơi thì thầy thấy tiệm chay nằm ngay bên cạnh quán cà phê "trồng cây si."

Biết sơ như vậy, tôi vẫn không nghĩ một nhà hàng Việt Nam lại có thể kinh doanh xa khu phố Little Saigon, lại nằm trong một khu thương xá không mấy khang trang. Cạnh quán cà phê Cây Si và tiệm Hoa Sen là một bar bán bia rượu. Ngay nơi tôi đậu xe đã có mấy vỏ chai bia, tàn dư của một đêm cuối tuần mà chắc ồn ào với những kẻ say.

Thế nên khi bước vào quán Hoa Sen, tôi gần như bị dội ngược lại bởi tiếng vui cười, nói chuyện râm ran của hơn một chục người khách. Thật không ngờ quán lại đông đến như vậy, cho dù là đầu tháng âm lịch.
Nghĩ là tiệm đang quá bận, người chủ sẽ không có thời giờ để nói chuyện với khách báo chí, tôi tính nói với cô tiếp viên trẻ rành tiếng Anh hơn tiếng Việt, rằng tôi sẽ trở lại vào một dịp khác. May sao đúng lúc đó một người đàn ông lớn tuổi, tóc bạc phơ, đến tiếp khách.
Người ấy là bác Lê Thựng, đâu đó cũng trên bảy mươi. Bác cho biết Hoa Sen là biểu tượng cho Phật giáo, cho ý nghĩa tránh sát sanh, nên tiệm được đặt tên này. "Tiệm mở được ba năm rồi, của đứa con gái với thằng rể," bác nói, ban đầu còn dè dặt. "Gia đình cũng là đạo Phật cho nên cũng muốn mở một tiệm chay. Con tôi nó đi nhiều chùa, còn tôi đi chùa Phổ Đà."

Thế rồi bác trở nên thân thiện hơn. "Tôi nghĩ phong trào lo cho sức khỏe của người ta đang thịnh hành, nên nhiều người đến đây ăn các món chay cho có sức khỏe tốt. Người ta cũng đặt tiệc birthday hoặc là tiệc tùng ở đây.

"Khách ra vô cũng thường xuyên, không chỉ người Việt Nam mà có cả Đại Hàn, Mễ, Ấn Độ, Mỹ cũng tới luôn. Dân mình ở Phước Lộc Thọ cũng ra đây ăn."

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì một cặp trẻ người Mỹ gốc Phi Châu bước vào tiệm, được mời đến ngồi cạnh bàn chúng tôi.

Thế rồi bác Lê Thựng cho biết tiệm có gần 100 món ăn trên thực đơn. Bác cầm thực đơn và đọc cho tôi nghe, "Ở đây có nhiều món ngon lắm. Nè, có mì quảng, mì vịt tiềm, mì xào singapore, mì xào dòn, mì xào mềm, cơm đập, cơm tay cầm, cơm chiên hoa sen. Cái gì cũng ngon hết trơn á, ngon hơn món mặn."

Ông Lê Thựng với món bánh bèo trong tiệm Hoa Sen ở đường Brookhurst, Garden Grove, 19 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Tôi còn nghe bác đọc mấy món nghe rất "mặn" như cá trê mắm gừng, bún măng vịt. Bác cho biết các con bác từng học nấu ăn ở Mỹ, rồi về Việt Nam nghiên cứu thêm, nên các món ăn có hương vị rất độc đáo Việt Nam, vừa miệng mà lại ngon cho cả người Mỹ.

Nói một hồi rồi bác mới hỏi lại rằng ban nãy tôi nói tôi làm cho báo nào. Nghe nói Viễn Đông, bác liền trợn mắt lên, làm tôi tưởng bác có "vấn đề" gì với tờ báo và sắp sửa "phạng" cho mấy câu. Ai dè, bác đập tay vào ngực, tuyên bố, "Tui là độc giả thường xuyên của Viễn Đông."
Vừa nói xong thì bác bỏ đi vào bếp một hồi lâu, làm tôi ngồi lại bàn cũng thấy hồi hộp, không hiểu bác đi đâu. Một lúc bác bước ra, tay cầm tờ Viễn Đông số mới nhất. "Tui nói có sách, mách có chứng. Nè, sáng giờ tui đọc báo Viễn Đông đây nè."


Bà Kim Hoàng giới thiệu món bò nướng lá lốt trong tiệm Hoa Sen ở đường Brookhurst, Garden Grove, 19 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Thế rồi không khí càng tưng bừng hơn, như pháo bông nở tung trên bầu trời trong quán Hoa Sen. Có tìm cách nói khéo cách mấy, tôi vẫn bị bác Thựng bắt ngồi lại để trò chuyện, ăn hết món này đến món kia mà quán đang cung cấp cho một bàn tiệc ở bên cạnh. Sau khi ăn dĩa bánh bèo không hết, lại thêm mấy cuộn nem, cuối cùng phải từ chối món bò nướng lá lốt, tôi mới "thoát" ra ngoài để đi "công tác" ở một nơi khác trước khi trời tắt nắng.

Bác cũng theo ra, cho tôi chụp một tấm ảnh bác với bảng hiệu Hoa Sen rất đáng hãnh diện của các con bác.

Hoa Sen Vegetarian Restaurant, 12180 Brookhurst St., Garden Grove, Ca 92840. Điện thoại (714) 537-0077. Mở cửa từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tối, đóng ngày thứ Tư.

An Lạc Duyên
Đến An Lạc Duyên trong khu phố Đại Hàn ở Garden Grove khi nắng chiều đang lan dần trên bãi đậu xe, tôi được đón tiếp bởi một bé gái đang chập chững bước đi. Em bé này đã chạy từ trong An Lạc Duyên ra ngoài cửa, đi tung tăng với ánh mắt và nét mặt vui cười. Thấy tôi, bé khựng lại vài giây, rồi lại cười toe. Có lẽ đây là duyên của sự an lạc.

Bé gái là con của một cặp vợ chồng son trẻ đang ăn bên trong quán cơm chay An Lạc Duyên. Cha của bé bước ra bắt con vào bên trong. Giữa lúc tôi đang loay hoay với máy ảnh, chuẩn bị chụp mấy tấm bên ngoài tiệm, thì cặp vợ chồng trở ra với bé gái trên tay bồng của người cha.
Họ dừng lại trò chuyện với tôi mấy phút. Nghe tôi hỏi làm sao biết tiệm mà đến, anh Philip Cabral cho biết anh từng sống ở gần đây, nay dọn về Orange, nhưng vẫn thường đưa vợ con đến ăn ở An Lạc Duyên.

Anh Philip và cô Elizabeth Cabral cùng bé gái Livi bên ngoài tiệm An Lạc Duyên trên đường Garden Grove trong khu phố Đại Hàn, chiều 19 tháng 11, 2017. Vợ chồng ăn chay trường từ lúc bé Livi chào đời. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Philip giải thích là anh từng vào ứng dụng Happy Cow trên điện thoại, dò tìm các quán chay thì thấy An Lạc Duyên nên anh tìm đến. Ăn rồi thấy ngon, vợ chồng anh ghé đây thường xuyên.

Vợ anh, cô Elizabeth cho biết vợ chồng mới ăn chay. "Chúng tôi bắt đầu ăn chay từ lúc bé Livi mới sanh. Nó là con đầu lòng. Chúng tôi muốn ăn uống lành mạnh cho sức khỏe. Nay Livi được 15 tháng. Vậy là chúng tôi đã ăn chay được 15 tháng."

Philip vừa bồng bé gái Livi vừa nói theo vợ, "Chúng tôi thích ăn chay lắm. Các món ăn ở đây rất ngon. Tôi đến hoài, còn chỉ cho mấy đứa bạn đến ăn nữa."

Rồi anh hỏi tôi có ăn chay không. Nghe tôi nói "Có," Philip liền tươi cười, "Ông cũng ăn chay, ồ, vậy là bảnh quá." Tôi tạm dịch chữ "Cool" của anh là "bảnh" hay "xịn," hy vọng không sai ý lắm.
Trong khoảng nửa giờ sau, tôi được nghe, quan sát bên trong quán An Lạc Duyên đang trang trí rất "xịn" về mỹ thuật. Không gian được hòa tan với những tình khúc không lời êm dịu. Có nước chảy róc rách bên một tường. Thảo nào cặp Philip-Elizabeth thường ghé đến đây, để có một bữa ăn chiều trong không khí lãng mạn, ngon miệng, thả con chạy chơi trong niềm hạnh phúc.

Cô Vân Nguyễn (bên phải) cùng bạn đầu bếp giới thiệu món sà lách thịt nướng tẩm mật ong chay trong tiệm An Lạc Duyên ở Garden Grove, 19 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Vân Nguyễn, một trong bốn người làm việc ở An Lạc Duyên hôm ấy, cho biết tiệm đã mở được khoảng năm năm. Trong lúc bận lo cho mấy người khách Mỹ đến lấy thức ăn mang đi, cô Vân nói, "Ở đây món nào cũng ngon nhất, vì cũng tùy người ăn. Mì vịt tiềm, cá nướng, lẩu, bì cuốn, bò bía. Tiệm có món cá nướng trui, lẩu tươi, thịt nướng sà-lách tẩm mật ong. Nhiều món lắm. Ở đây nấu không dùng bột ngọt, nước súp không bao giờ có bột ngọt hết. Nguyên liệu mua hết ở Mỹ."

Thực đơn của An Lạc Duyên có hơn 100 món ăn, kể cả nhiều món lẩu, bún nước, gỏi, nướng, quay, kho, chiên, và hai món cháo. Đúng là tiệm mặn có món gì thì An Lạc Duyên cũng có món chay đó.

An Lạc Duyên, 8851 Garden Grove Blvd, Suite 115, Garden Grove, CA 92844. Điện thoại (714) 534-4400

Bồ Đề Tịnh Tâm Chay
Tuy là một ngày thường, giữa trưa thứ Hai, Bồ Đề Tịnh Tâm Chay đã có rất nhiều thực khách, cả Mỹ lẫn Việt, mà trong đó có gần một chục vị tăng đang ngồi ăn ở hai bàn riêng. Tôi đến tiệm đây ngày thứ Hai, tưởng rằng sau một cuối tuần luôn đông khách thì chắc thứ Hai sẽ vắng hơn, dễ cho tôi nói chuyện với người trong ban quản lý. Thật bất ngờ là tiệm đông khách hơn tôi tưởng.


Bên ngoài nhà hàng Bồ Đề Tịnh Tâm Chay ở đường Beach Blvd., Westminster, ngày 20 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Có thể nói Bồ Đề Tịnh Tâm Chay là nhà hàng chay nổi tiếng nhất ở khu phố Little Saigon này trong nhiều năm. Mỗi khi nghĩ đến ăn chay, người ra hẹn nhau ở tiệm này. Đó là chưa kể các Phật tử thường mời các tu sĩ đến ăn ở tiệm, vì tiệm thuộc hạng "xịn," được trang trí rất mỹ thuật đậm đà đạo vị, mà quan trọng không kém là thức ăn rất ngon miệng. Nói chung thì tiệm rất xứng đáng cho người mời cũng như người được mời đến đây.

Trưa hôm đó tôi được nói chuyện với cô Sammy Trần, manager của Bồ Đề Tịnh Tâm Chay. Cô là con của bà chủ tiệm, đội nón kết, nói chuyện rất thân thiện, duyên dáng, lanh lẹ, và lịch sự.
Sammy cho biết, "Tiệm mở được 10 năm. Nguyện vọng của mẹ là muốn mở tiệm chay, muốn chúng sanh giảm bớt sát sanh."

Sammy cho biết hiện nay mẹ cô và người chị lớn đang tu tại gia, nên việc mở tiệm chay đã phù hợp với nguyện vọng của họ.

Về cơ duyên đặt tên cho tiệm, Sammy kể, "Lúc đó mẹ con đang ở bên Việt Nam. Chị mở tiệm ở bên này, chị gọi về thì mẹ có nói lấy tên Bồ Đề Tịnh Tâm Chay đi, mà mẹ cũng không hiểu tại sao mẹ lấy cái tên đó nữa, tự nhiên trong đầu mẹ cứ có mấy chữ Bồ Đề Tịnh Tâm Chay lập đi lập lại. Rồi mẹ nói lấy cái tên đó đặt cho tiệm. Vì vậy tụi con dùng cái tên ấy cho tiệm."


Cô Sammy Trần đang giới thiệu món phù chúc nướng trui tại Bồ Đề Tịnh Tâm Chay ở đường Beach Blvd., Westminster, ngày 20 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Về thức ăn tại Bồ Đề Tịnh Tâm Chay, Sammy cho biết, "Thực đơn ở đây có hơn 100 món. Mỗi một mùa họ ăn các món khác nhau. Hè thì khách thường ăn đồ mát mát như phù chúc nướng trui, bún riêu, mùa đông ăn món âm ấm như bún huế, lẩu. Đầu bếp ở đây là người Việt Nam."

Khi được hỏi về món độc đáo, Sammy nói về cách nêm nếm của tiệm, "Mắm tương chao làm tại chỗ chứ không lấy ngoài, nên hương vị của các món ở đây cũng khác. Nước mắm, tương, mắm nêm cũng khác, tại chính tay mẹ làm ra, mẹ ăn chay trường."

Trước khi phải chạy đi lo cho công việc của một người quản lý nhà hàng, Sammy nói, "Ở đây cháu thấy có những người theo đạo Chúa, đủ thứ đạo hết, nhiều người đến đây ăn vì họ muốn healthy (khỏe mạnh), nhiều người đến vì ngon, có những người vì không muốn sát sanh, có người tu đến đây."
Có lẽ đó là lý do mà trong một ngày thường, vào giờ thường, mà tiệm vẫn đông khách.

Bồ Đề Tịnh Tâm Chay, 15352 Beach Blvd., Westminster, CA 92683. Điện thoại (714) 891-4455. Mở cửa bảy ngày, từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối.

Âu Lạc
Chặng cuối của chuyến viếng thăm các quán chay ở Little Saigon là nhà hàng Âu Lạc ở Fountain Valley. Tiệm này nằm ngoài rìa về phía nam Little Saigon, nên tôi chọn đến sau, và rồi cũng thấy phù hợp vì được kết thúc bài viết này bằng cách quay trở về nơi khởi nguồn của các quán chay trong vùng.
Âu Lạc khai trương tại Fountain Valley vào năm 1997, có thể xem là quán chay đầu tiên của người Việt Nam ở Westminster .


Bên ngoài tiệm Âu Lạc trên đường Brookhurst St., Fountain Valley, ngày 21 tháng 11, 2017. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Trang website của Âu Lạc cho biết bà Mai Nguyễn, chủ nhân của Âu Lạc từng bị bệnh nặng, rất trầm trọng. Nhờ ăn chay, bà lành bệnh và từ đó ăn chay trường, đồng thời muốn mang sự ăn chay đến cho những người khác để họ cũng được lành mạnh.

Khi đến thăm tiệm vào trưa thứ Ba tuần này, tôi được dịp nói chuyện với cô Solongo, một người Mỹ gốc Mông Cổ. Cô cho biết bằng tiếng Anh rằng bà Mai Nguyễn hiện không có mặt ở đây, nhưng cô có biết bà "từng có vấn đề về sức khỏe, bị một khối u trong não. Đến khi thay đổi cách ăn uống theo lối ăn chay vegan, bà được lành bệnh, và từ đó bà có ước nguyện mở tiệm chay để mang các món vegan đến cho mọi người."

Ban đầu tiệm có các món chay dựa trên cách nấu các món thuần túy Việt Nam được chế biến thành món chay. Trang web của Âu Lạc cho biết từ năm 2001, Trưởng Bếp Ito gia nhập nhà hàng và mở rộng thực đơn để bao gồm nhiều món chay vegan mới và các món ăn sống rất thịnh hành trong giới ăn chay vegan Mỹ.
Có lẽ đó là lý do tại sao Âu Lạc đã có nhiều thực khách là người Mỹ ăn chay theo lối vegan. Một số tiếp viên ở đây là người Mỹ trẻ, cũng ăn chay, và họ dễ dàng giải thích cho khách mới làm quen với chay được biết về các món trong tiệm. Tuy bên ngoài tiệm trông sơ sài, tưởng như một hộp đêm cho giới trẻ, Âu Lạc lại được trang trí tráng lệ với ánh đèn rọi sáng và nhiều màu đỏ ở bên trong, làm cho người ăn càng thấy ngon miệng hơn.

Cô Solongo cho biết nhiều người biết đến Âu Lạc qua lời giới thiệu của bạn, qua những bài viết đăng trên báo Mỹ, và qua Yelp trên mạng. "Cũng nhờ Yelp mà tôi biết đến tiệm này, đến xin việc ở đây vì tôi cũng ăn chay vegan," Solongo cho biết.

Cô làm quản lý tại Âu Lạc được một năm rưỡi. "Nhiều người tới đây ăn thử, thấy thích, ngon, nên trở lại và giới thiệu đến người khác," Solongo cho biết. "Họ ăn chay vì nhiều lý do. Tôi thấy ở đây có những người ăn chay vì sức khỏe, ăn vì muốn bảo vệ môi sinh, ăn vì thương yêu thú vật, tôn trọng chúng."


Cô Solongo đang giới thiệu món đặc biệt nhân ngày Tạ Ơn tại tiệm Âu Lạc ngày 21 tháng 11, 2017(Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)
Giá các món ở đây tương đối cao hơn so với các quán ở gần trung tâm Little Saigon, nhưng trung bình so với các nhà hàng thuộc hạng sang của Mỹ, mà hương vị thì ngon không thua kém bất cứ một nhà hàng nào thuộc hạng cao cấp.

Nay Âu Lạc còn có thêm một địa điểm ở Los Angeles. Trước khi tôi rời tiệm, trưởng bếp giới thiệu một dĩa đặc biệt dành cho ngày Tạ Ơn, được gọi là "Thanksgiving Special." Dĩa này gồm nửa miếng gà tây chay vàng rưới nước gravy nâu, khoai tây nghiền trắng, dâu cranberries đỏ, măng tây xanh, thêm vài cọng ngò tươi, giá là $18.95. Bạn có thể gọi món này cho bữa ăn Tạ Ơn hôm nay, hoặc chọn một trong cả mấy chục món khác được người vegan ưa chuộng tại tiệm này.

Âu Lạc, Plant-based Cuisine, 16563 Brookhurst St., Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại (714) 418-0658. Mở cửa từ 11:30 trưa đến 9:30 tối, đóng cửa ngày thứ Hai.

*
Vì thời gian viết bài chỉ có một tuần, nên tôi không thể nào ghé hết các tiệm chay chung quanh Little Saigon, chẳng hạn như tiệm Trường Xuân mới mở ở góc Brookhurst và Westminster mà tôi có ghé hai lần nhưng chưa có dịp nói chuyện với người quản lý. Tôi cũng không thể ghé các nhà hàng lớn chuyên tổ chức tiệc cưới với món mặn nhưng cũng chế biến các món chay rất tuyệt hảo. Có lẽ vào một dịp khác.
Mong rằng bài viết về các quán chay này sẽ hữu ích cho bạn, giúp bạn có thêm sự lựa chọn trong thói quen ăn uống của mình.

PHÚC QUỲNH